HỘI BÀI CHÒI HÁT HỐ LÀNG GÒ CỎ
Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam. Ngày 7 tháng 12 năm 2017, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phạm vi nghệ thuật Bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không bao gồm các tỉnh Tây Nguyên) là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Hội nghị thành lập hội bài chòi hát hố làng Gò Cỏ
Hát Hố một thời là nhu cầu không thể thiếu của nam nữ thanh niên nông thôn. Hát Hố gắn với đời sống sinh hoạt, lao động nông nghiệp, nhất là nghề mía đường tại một số địa phương của Quảng Ngãi. Có nhiều chủ đề và cách hát khác nhau như: hát chào nhau, hát tự tình, hát đối đáp, hát từ chối, hát trêu ghẹo, hát than thân trách phận….
Bài Chòi, Hát Hố và một số loại hình dân ca khác hiện vẫn đang được gìn giữ, phát huy. Đặc biệt, tại làng Gò Cỏ, cộng đồng người dân làng Gò Cỏ vẫn còn lưu giữ các thể loại dân ca truyền thống này. Từ lâu người dân làng Gò Cỏ đã xem bài chòi hát hố là món ăn tinh thần không thể thiếu, thậm chí còn tự sáng tác những ca khúc riêng về quê hương mình. Những điệu hát bài chòi, hát hố gắn liền với các hoạt động của người dân, họ hát khi lao động, khi nghỉ ngơi, khi ru con,.. bất kể lúc nào những điệu hát cũng có thể được cất lên từ những người dân làng Gò Cỏ.
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi, Hát Hố, thúc đẩy tình yêu dành cho loại hình này đối với mọi người và các thế hệ tiếp theo, những thành viên tích cực của làng Gò Cỏ và các khu vực lân cận đã quyết tâm thành lập Hội Bài Chòi Hát Hố làng Gò Cỏ vào ngày 21/5/2020 với 21 thành viên. Các thành viên trong Hội Bài Chòi Hát Hố Gò Cỏ hầu hết là những người có tuổi thơ gắn liền với Bài Chòi, Hát Hố và biết trình bày ít nhất 1 trong 2 thể loại này. Những câu chuyện về đoàn văn công ngày xưa tới từng vùng, mang tiếng hát giúp khích lệ tinh thần và gieo vào đó những tình yêu nghệ thuật dân gian cứ vậy lớn lên. Những câu hát hố đối đáp khi đẩy những vòng tre ép mía giúp xua tan sự mệt mỏi, những câu hát thấm đẫm đến tận bây giờ. Những câu hát gắn liền với từng ký ức của người dân làng Gò Cỏ. Chính vì vậy, Hội bài chòi hát hố Gò Cỏ là nơi để các thành viên giao lưu văn nghệ, kết nối tình yêu với nghệ thuật dân gian và trên hết là truyền đạt lại cho các thế hệ tương lai.
Các thành viên của hội bài chòi biểu diễn cho lớp sinh viên của Trường cộng đồng
Hiện nay, Hội bài chòi hát hố Gò Cỏ đang phát triển một cách tích cực dựa trên những tiềm năng về con người, văn hóa – du lịch tại làng Gò Cỏ nói riêng và khu vực không gian văn hóa Sa Huỳnh nói chung. Ngoài tham gia các hoạt động du lịch, hội bài chòi hát hố Gò Cỏ vẫn đều đặn tổ chức các cuộc họp thường xuyên để không ngừng trau dồi thêm kinh nghiệm và kĩ năng.
Trong tương lai, Hội định hướng phát triển thêm hội viên ưu tiên là người bản địa sống tại làng Gò Cỏ và các khu vực xung quanh. Tổ chức các buổi giao lưu, quảng bá bài chòi, hát hố một cách sinh động nhằm tạo nhận thức mới mẻ hơn cho cộng đồng về dân ca bài chòi, hát hố. Tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến văn hóa; các sự kiện văn hóa điển hình của địa phương hoặc quốc gia để tìm kiếm, mở rộng các mối liên kết tiềm năng cho Hội trong tương lai.