• Tiếng Việt
  • English
Hit Enter to search or Esc key to close

GÀNH ĐÁ LÀNG GÒ CỎ

Gành đá làng Gò Cỏ là một điểm nhấn không thể bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá tại Gò Cỏ. Đó là kết quả của quá trình phong hóa tự nhiên, các hoạt động đứt gãy, phun trào của núi lửa tạo nên những phiến đá nhiều màu sắc khác nhau với đủ loại hình thù kỳ thú có niên đại 250-400 triệu năm (cùng thời kỳ khủng long còn tồn tại). Nơi đây có sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và địa chất với sự đa dạng của các hệ sinh thái từ rừng tới biển.

Gành đá làng Gò Cỏ

Từ bao đời qua, gành đá làng Gò Cỏ đã gắn liền với cuộc sống của người dân tại đây. Gành cung cấp đủ các loại sản vật từ ốc, nhum, nha, hàu, rong biển đến các loại tôm, cá, mực theo từng mùa. Những sản vật đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể đối với cuộc sống của người dân nơi đây.
Trong quá khứ, gành đá làng Gò Cỏ từng là nơi trú ẩn cho bộ đội với các hang đá, hầm đá tự nhiên. Cùng với đó, những tuyến đường huyết mạch như đường Thiên Lý, đường đá cổ Chăm Pa cũng vẫn còn hiện hữu xung quanh những gành đá. Những con đường ẩn hiện sau những rừng cây rậm rạp ven biển vẫn còn để lại dấu tích như minh chứng cho một thời đã qua.

Một vài địa danh nổi bật trên gành đá làng Gò Cỏ:

Hang gành trên

Hang có hình dạng tam giác sâu khoảng 4m, đá xếp chồng và nước biển vẫn chảy vào trong hang qua các đợt sóng vỗ vào gành đá. Người dân Làng Gò Cỏ kể lại rằng: không biết hang có từ bao giờ mà đến nay vẫn còn tồn tại, ngày xưa thời chiến tranh bom rơi, đạn lạc hang là nơi trú ẩn của người dân, bộ đội hay còn là nơi di chuyển của ngư dân bằng đường hang vào xóm.Ngày nay, hang là nơi cư trú của rất nhiều dơi. Đến đây, nghe tiếng dơi kêu và nhìn dơi bay thành từng đàn khung cảnh hoang vu và thu hút.

Cửa hang gành trên

Hang Sáo

Hang Sáo có đường kính miệng hang vào khoảng 30 – 40cm, độ sâu khoảng 5m nằm trên vùng gành ven biển. Theo lời kể của người dân địa phương, trước đây hang động là nơi cư trú của loài chim sáo. Trước đó, nơi này thiên nhiên hoang sơ, biển hòa mình với núi, có rất nhiều loài chim, đặc biệt hơn là rất nhiều chim sáo cư trú trong hang động. Sau này người dân đặt chân đến nơi này, họ phát hiện ra hang động và rất nhiều chim sáo từ đó đặt tên hang là “Hang Sáo”. Người dân ví sáo và hang như đôi tình nhân, ngày xưa sáo và hang quấn quýt không rời, tiếng sáo kêu vang cả một vùng gành dưới tạo cảm giác sinh động vui tươi. Đến bây giờ không còn sáo nữa chỉ còn hang một mình hướng mặt về phía biển ngóng trông và hiện tại rất ít người lui tới đây.

Cửa hang sáo

Hang Tịnh

Hang Tịnh nằm gần Hang Sáo, miệng hang khoảng 60cm và độ sâu 10 – 20m. Hang nằm ở vị trí khá cao. Những hang động đã tồn tại cách đây hàng nghìn năm trước khi có sự xuất hiện của con người. Trong những năm chiến tranh, hang động là nơi ẩn nấp của người dân và bộ đội địa phương. Theo lời kể của người dân địa phương, khi họ đến đây thì đã thấy sự xuất hiện của hang động. Hang có tên là “hang Tịnh”, do trước đó có một người đàn ông tên Tịnh. Ông là người đầu tiên phát hiện ra hang động nên từ đó người dân gọi tên hang động theo tên của ông là “Hang Tịnh”.

Hòn đá da

Hòn đá da là khối đá đầu tiên lộ ra theo dọc tuyến tham quan gành, đi về hướng nam. Đây là một tên gọi thân thuộc đối với ngư dân làng Gò Cỏ.

Sũng muối

Đây là một bãi đá Granit rộng chừng 20 mét, nằm mấp mé mặt nước biển. Nơi này gắn liền với cuộc sống khó khăn của dân làng trong thời kỳ chiến tranh. Lúc đó, cả nước đang gặp khó khăn về kinh tế và xóm Gò Cỏ cũng không ngoại lệ. Muối là một thứ hàng hóa đắt đỏ, nó có giá trị gần như vàng thời bấy giờ. Muối có thể đổi được các nhu yếu phẩm hàng ngày như…. Tuy rằng cánh đồng muối nằm ngay lối dẫn vào làng, nhưng khả năng để có được lượng muối ăn đầy đủ cho cả gia đình là điều rất xa xỉ với mỗi hộ dân nơi đây. Chính vì thế, dân làng đã biết tận dụng nền đá bằng phẳng, cứng chắc cùng với nguồn nước biển sẵn có và cái nắng của khu vực này để tự làm ra muối để sử dụng cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, địa danh này mang tên Sũng Muối. Và từ xưa đến nay, người bản địa vẫn gọi nơi đây bằng cái tên thân thuộc này.

Lúc Cúc

Bãi đá Lúc Cúc chạy dài khoảng 30 m, có nhiều khối đá hình cầu, hình trứng do sóng biển mãi mòn nằm ngổn ngang nên dân làng gọi là Lúc Cúc (ý nói đá lục cục). Đây là nơi người dân thường lặn bắt nhum, hàu,…Khu vực này vẫn còn một số loại san hô với nhiều màu sắc hấp dẫn.

Bãi đá Lúc Cúc

Bến Bà Thân

Nơi này khoảng 40 năm trước có cát bồi thành bãi cát, được gọi là bến bà Thân vì ngày đó bà này ở gần vị trí này. Có người kể bà bị bệnh truyền nhiễm nặng nên gia đình mang bà ra đây ở. Sau này bà chết đi, dân làng gọi là Bến Bà Thân.

Bến bà Thân

Giếng Ông Địa

Là nơi đọng nước mạch tự nhiên từ núi xuống, tạo thành vũng nước ngọt. Đặc biệt, nước không bao giờ cạn nên gọi là giếng. Cửa vào giếng rất bé. Người có thân hình nhỏ nhắn mới cúi rạp xuống và bò vào giếng được. Các thế hệ trước đi làm đồng hoặc chăn thả gia súc thường ghé lấy nước ngọt uống.

Giếng ông Địa

Hòn đá cao

Vách đá chỗ này dựng đứng, mùa đông sóng không đánh tới. Ngư dân thường ra câu cá vào mùa đông. Mỗi người cắm rất nhiều cần câu. Khoảng 20 năm trước, cá rất nhiều và phải tính bằng gánh. Các bà, các mẹ phải luân phiên chạy chợ liên tục mới bán hết cá.

Hòn đá cao

Đầu chọi

Có 2 hòn đá chồng lên nhau, nửa phía trên hơi chồm ra phía trước như đầu con chim. Dân làng gọi là đầu chọi. Đây là ranh giới giữa hai làng Gò Cỏ và Vũng Bàng. Hàng năm, ngư dân hai làng thường đem lễ vật ra cúng vái, cầu ngư; bất kể lúc nào họ không bắt được cá, họ sẽ mang lễ vật ra cúng, khấn xin.

Đầu chọi

Hòn Sụp

Là hòn đá cuối cùng, giữa biển, nơi nhìn thấy bãi cát Vũng Bàng. Hòn đá mấp mé mặt nước nên gọi là hòn sụp.

Hòn sụp

Để có thể tham quan ngắm nhìn rõ nét nhất về gành đá làng Gò Cỏ, du khách thường lựa chọn tham quan bằng thuyền nan tre do chính những người ngư dân phục vụ. Dọc theo tuyến thăm quan gành bằng thuyền nan, trên những cơn sóng nhấp nhô vỗ vào mạn thuyền, du khách sẽ bất ngờ trước vẻ đẹp muôn hình vạn trạng do bàn tay thiên nhiên tạo thành và thỏa sức tưởng tượng vô số các hình thù từ đó. Những câu chuyện gắn liền với chiến tranh, những điểm thăm quan gắn liền với cuộc sống nhiều đời của người dân sẽ là những câu chuyện không thể thiếu từ người ngư dân dày dặn kinh nghiệm như những món quà đến với mỗi du khách khi đến đây.


Để lại bình luận - Gành đá làng Gò Cỏ


Đăng ký tư vấn