• Tiếng Việt
  • English
Hit Enter to search or Esc key to close

CÔNG VIÊN DI SẢN LÀNG GÒ CỎ

Nằm trên dải đất Sa Huỳnh ngàn năm văn hóa, làng Gò Cỏ hiện lên với vẻ ngoài hoang sơ, hiền hòa nhưng không kém phần năng động, tràn đầy sinh khí. Hơi thở văn hóa lâu đời của ba thời kỳ Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt dường như vẫn còn thấm đượm trong từng tấc đất, trong trong máu thịt của cư dân nơi này. Dòng chảy văn hóa ấy kết nối con người với những giá trị riêng biệt từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Mảnh đất Gò Cỏ chứng kiến bao biến thiên lịch sử, từ cam go của trường kỳ kháng chiến đến sự lãng quên và hồi sinh ngoạn mục. Nguồn nội lực quá đỗi mạnh mẽ thúc giục cộng đồng cư dân bản địa tiếp tục giữ vững linh hồn một ngôi làng cổ Chăm Pa và khoác lên nó tấm áo mới mang tên Công viên di sản làng Gò Cỏ.

Công viên di sản làng Gò Cỏ là tầm nhìn phát triển bền vững cho ngôi làng. Bởi lẽ, nếu trên thế giới có công viên địa chất toàn cầu – danh hiệu được vinh danh bởi UNESCO, thì làng Gò Cỏ như một công viên địa chất thu nhỏ. Ngôi làng nằm trong phạm vi công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh của Quảng Ngãi. Đồng thời, nó tích hợp tất cả các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa, đa dạng sinh học,…theo các tiêu chí công viên địa chất ở quy mô của một ngôi làng. Và hơn thế, ở đây còn có giá trị con người nhân bản và một mô hình phát triển kinh tế cộng đồng chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Công viên di sản làng Gò Cỏ sẽ khiến du khách phải nâng niu từng bước chân và đắm chìm vào chiều sâu giá trị cội nguồn.

Làng cổ Chăm Pa trong lòng cái nôi văn hóa Sa Huỳnh

Sa Huỳnh là dải cát vàng chạy dọc xã Phổ Khánh, phường Phổ Thạnh và Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Vùng đất này là cái nôi văn hóa Sa Huỳnh không chỉ vì các di chỉ khảo cổ học văn hóa Sa huỳnh được phát hiện lần đầu tiên tại nơi đây, được đặt tên cho nền văn hóa này và có niên đại sớm nhất trong số các di chỉ của văn hóa Sa huỳnh tại các tỉnh miền Trung khác, mà vì Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh. Điều kiện thiên nhiên lý tưởng bao gồm: môi trường sinh thái đa dạng, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo,…thuận lợi cho quá trình tụ cư lâu dài tạo ra không gian văn hóa lâu đời và cho đến ngày nay nó vẫn còn chứa đựng dấu ấn của sự tiếp biến văn hóa mạnh mẽ. Minh chứng cho điều này chính là làng Gò Cỏ.

Nằm dọc theo dải Sa Huỳnh, Làng Gò Cỏ như một điểm sáng giữa không gian văn hóa cổ xưa với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào về một ngôi làng đã từng là nơi cư tụ của người Chăm Pa từ TK VII đến TK XV – lớp người kế tiếp cư dân cổ Sa Huỳnh. Làng Gò Cỏ chỉ vỏn vẹn 83 hộ dân, nằm trên đồi núi đá ven biển khoảng 105 ha. Đường đi gập ghềnh, quanh co. Những ruộng bậc thang thấp thoáng bên cạnh bờ cát êm dịu sẽ đưa du khách vào cung bậc cảm xúc lạ kỳ. Dấu ấn địa văn hóa được kế thừa từ người cổ Chăm Pa luôn ẩn hiện trong mỗi bước chân du khách. Ở đây, dường như đá cũng có hơi thở. Nó hiện diện ở mọi ngóc ngách, cùng dân làng trải qua nhiều biến cố lịch sử. Đường làng, bờ ruộng, hàng rào, giếng cổ, suối nước…đều được bàn tay con người xếp tỉ mỉ bằng đá biến chất – loại đá có niên đại khoảng 250 – 400 triệu năm trước. Một số giếng đá cổ hiện hữu trong làng là sản phẩm mà người Chăm Pa để lại. Hệ thống giếng cổ đã và vẫn đang là mạch sống, nuôi dưỡng nhiều thế hệ. Nó cũng chính là sợi dây kết nối truyền thống văn hóa Chăm – Việt. Những giếng nước thuần khiết, đơn sơ đã đưa làng Gò Cỏ vượt qua ngàn mùa khô cạn, “cháy” đồng, khiến cho Sỏi đá không cản nổi bao lứa ngô khoai nặng gánh, bội mùa. Bởi thế, dân làng mới có câu: “Chạng vạng ăn khoai đi ngủ, gà gáy dậy ăn củ đi làm”. Làng Gò Cỏ sẽ tiếp đãi bạn với đủ các loại khoai, củ đặc trưng của miền Trung nắng gió. Chưa dừng lại ở đó, gành đá hàng trăm triệu năm, có loại thuộc niên đại cùng thời kỳ sinh sống của khủng long, bao bọc phía bờ Đông ngôi làng ban tặng cho Gò Cỏ hệ sinh thái đa dạng, hình thành các sản vật đặc trưng hấp dẫn du khách. Đã đến làng Gò Cỏ, du khách sẽ không thể quên được hương vị của món Lưỡi Long nấu cá Thửng, hàu sữa nấu lá giang hay mực tháng tư hấp gừng làng Gò Cỏ…

Các chuyên gia khảo sát giếng cổ ở Gò Cỏ

Hòa cùng hơi thở của thời đại, khi mà âm hưởng hiện đại hóa lan tỏa khắp mọi miền quê, nhưng làng Gò Cỏ vẫn lưu giữ những “hóa thạch” văn hóa ngàn năm. Nếu như người cổ Sa Huỳnh, Chăm Pa sống dựa vào tự nhiên với những tập tục canh tác thô sơ; sáng tạo kiến trúc đặc trưng gắn liền với đá, biển, gò đồi…; thì người làng Gò Cỏ vẫn tiếp tục các truyền thống văn hóa ấy. Hoạt động sống của làng Gò Cỏ khiến du khách có cảm giác như dấu ấn văn hóa ngàn năm trước bị ngưng đọng tại đây. Sự ngưng đọng ấy chính là sản phẩm của tính cố kết cộng đồng mạnh mẽ. Tinh thần lạc quan, khẳng khái và khát khao hòa bình khiến cho họ trân quý tinh hoa đất mẹ, gìn giữ bản sắc văn hóa lâu đời mà không hề nao núng trước bất kỳ sự tác động ngoại sinh nào.

Công viên di sản làng Gò Cỏ đi lên từ giá trị nhân bản

Trải qua biến cố lịch sử thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ; làng Gò Cỏ tiếp tục gồng mình chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để nuôi sống bao thế hệ. Cái nghèo luôn thường trực khiến cho từng dòng người lần lượt tha hương, li hương để lại làng mạc vắng tiếng cười sum họp. Thế nhưng giờ đây, làng Gò Cỏ như được sống dậy, vươn mình trong nguồn sinh khí mới. Từ khi được các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định giá trị di sản quý giá, làng Gò Cỏ ngày càng khẳng định mình xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn trong Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.

Mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian nhưng các “hóa thạch” văn hóa tại đây vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Bởi lẽ, tính nhân bản của một con người như chưa hề mất đi trong tâm thế dân làng Gò Cỏ. Niềm hạnh phúc của họ được gọi tên từ những giá trị bên trong. Nguồn nội lực là thứ mà họ luôn tự hào. Dân làng Gò Cỏ từ trước đến nay đều đi lên từ chính năng lực của bản thân mình và từ những gì mà ngôi làng vốn có từ thuở sơ khai. Cộng đồng người dân bản địa ứng xử với thiên nhiên một cách văn minh hiếm thấy. Tài nguyên đất, rừng, biển, nước…được khai thác và duy trì ở trạng thái hoang sơ, hữu tình hàng ngàn năm. Công viên di sản làng Gò Cỏ sẽ cho bạn thấy giá trị đích thực của cuộc sống trong không gian hiền hòa, sẻ chia đầy hào sảng như lúc ban sơ mà con người được tạo ra. Ở đây, tình làng nghĩa xóm là thứ khó có thể thay thế được bởi những xô bồ, cám dỗ vật chất. Do vậy, con người – với giá trị nhân bản chính là thứ quý giá nhất của công viên di sản làng Gò Cỏ. Đây cũng chính là sự văn minh mang thương hiệu làng Gò Cỏ. Công viên di sản làng Gò Cỏ là nơi phù hợp cho những ai có nhu cầu hưởng thụ giá trị tinh thần và trân trọng tính nhân bản của con người.

Hình thành trật tự kinh tế mới để phát huy giá trị nhân bản

Công viên di sản làng Gò Cỏ đặt mục tiêu phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc cộng đồng làm chủ thể đi kèm với kim chỉ nam Dân biết – dân hiểu – dân bàn – dân làm – dân quản lý. Các giá trị nhân bản sẽ được duy trì, nuôi dưỡng khi cộng đồng bản địa được trang bị kiến thức, nâng cao năng lực một cách khoa học và các bên liên quan được chia sẻ lợi ích công bằng, minh bạch. Để làm được điều này, công viên di sản làng Gò Cỏ đã xây dựng mô hình hợp tác xã cộng đồng nhằm hình thành tổ chức điều phối kinh tế cộng đồng một cách văn minh. Sứ mệnh của hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ là tổ chức, điều phối các hoạt động bảo tồn, nhằm nâng cao năng lực người dân bản địa.

Giao lưu bài Chòi - hát Hố

Công viên di sản làng Gò Cỏ lấy du lịch cộng đồng làm động lực phát huy hiệu quả các liên kết nội tại của làng nhằm mục đích phát triển kinh tế bền vững song song với gìn giữ giá trị nhân bản. Trong mô hình điều phối này, cộng đồng tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn, dịch vụ du lịch…theo cơ chế đồng quản lý với các bên liên quan: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp. Tại đây, một trật tự kinh tế mới được hình thành dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy tính chủ thể của người dân. Các quy chế được cộng đồng lập ra để nâng cao vai trò quản lý tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của làng; đồng thời đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích bền vững giữa các bên liên quan.

Công viên di sản làng Gò Cỏ đầu tư, phát triển con người gắn liền với 2 yếu tố nhận diện là hoang sơ và văn minh trên nền các “hóa thạch” văn hóa ngàn năm. Tuy nhiên, nó luôn vận động, biến đổi linh hoạt để tiên phong trên một xu thế kinh tế mới và phát huy giá trị nhân bản; tạo ra một trật tự kinh tế mới đáp ứng nhu cầu hạnh phúc của con người (làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu). Công viên di sản làng Gò Cỏ luôn chào đón bạn như một thành viên của cộng đồng nơi đây!