BÃI BIỂN
Đứng từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Gò Cỏ, như một điểm nổi bật làm sáng lên bức tranh làng Gò Cỏ. Đối với những du khách đam mê khám phá những miền thôn dã còn giữ nguyên những nét cổ kính, yên bình, chắc hẳn sẽ phải ngỡ ngàng với dải bờ biển xanh thẳm xinh đẹp, vừa hiền hòa lại vừa hoang sơ đầy hấp dẫn của Gò Cỏ.
Thảm thực vật ven biển Gò Cỏ
Có lẽ biển Gò Cỏ là một trong số ít những bãi biển dọc khắp dải miền Trung còn giữ được sự hoang sơ của thảm thực vật tự nhiên ven bờ. Chính điều này tạo nên sự hấp dẫn của biển Gò Cỏ. Không có khách sạn, nhà hàng, quầy ăn đông đúc, chỉ có thiên nhiên và thiên nhiên tầng tầng lớp lớp chen chúc thầm lặng tồn tại trước biển. Đứng từ ngoài bờ nhìn vào, bạn sẽ dễ nhận ra một vài loài cây nổi bật như dứa rừng, ô rô gai, chà là, cam đường, bàng, phong ba, lưỡi hùm, chà vọng. Rừng bụi ven biển làng Gò Cỏ rất hữu dụng và phong phú. Vô số loài cây được người dân dùng làm thức ăn và uống, nào là đọt dứa mút, nước dứa rừng, hạt dứa, đọt chà là, hạt chà là, trái lưỡi hùm; nào là cam đường, ổi, hạt chà vọng, hạt cơm rượu, chùm chài, dúi dẻ, lá giang, lá sương sâm,…Và cũng chính những sản vật này đã giúp bà con trong làng vượt qua những lúc đói kém, khó khăn trong giai đoạn chiến tranh tàn phá ác liệt.
Thiên nhiên cũng thật công bằng bởi mặc dù thời tiết Gò Cỏ khô hạn là thế nhưng biển cả là một kho chứa hải sản đa dạng. Nếu hỏi những người ngư dân trong làng về biển, họ sẽ kể vanh vách cho bạn nghe về sự phong phú của các loại hải sản quanh năm ở biển Gò Cỏ. Tháng 2, tháng 3 sau tết là mùa câu mực cơm buổi đêm, thu hoạch cá trác, cá huẩn. Tháng 4 đến tháng 8 là mùa thu hoạch cá hố, nhum, cá dò, cá thửng, cá mó, cá ồ, bánh lái, cá sơn, cá ba bì, cá chình, ngoài ra còn có ghẹ, ốc, rong biển đủ loại…Mùa đông đến là mùa thu hoạch rong mứt, đặc sản của Gò Cỏ…Xưa kia hải sản nhiều đến nỗi, người dân phải gánh đi đổi lấy muối, hay những thứ hàng hóa ở khu vực lân cận khác. Tuy nhiên từ khoảng năm 1990 cho đến 2000, những tàu công suất lớn với phương thức đánh bắt hiện đại hơn từ các khu vực lân cận khiến cho sản lượng hải sản khu vực biển Gò Cỏ giảm đi khá nhiều. Trong bối cảnh hiện đại hóa tràn khắp mọi nơi, những bác ngư dân trong làng vẫn giữ nguyên những chiếc thuyền nan tre truyền thống đơn sơ và chỉ đánh bắt vừa đủ. Cứ thế, biển cả và chiếc thuyền nan là quyển sách, tập vở, tấm áo cho con, là nguồn nuôi sống cho cả gia đình; của ba, bốn có khi là sáu, bảy người. Trước kia và bây giờ vẫn vậy, ngày ngày, khi mặt trời vừa lên cao, những người vợ đã ngồi sẵn trên bãi biển hướng mắt trông mong ra khơi xa đợi người chồng đi thu hoạch cá trở về, rồi lại tất tả mang giỏ cá ra chợ bán.
Người ngư dân đang vá lưới
Bãi biển là nơi sinh hoạt của người dân. Những đêm hè, cả gia đình mang mền chiếu ra ngoài bờ biển ngủ. Gió mang theo hơi nước mát lạnh từ biển vào cùng không khí trong lành dễ chịu là không gian tuyệt vời để người dân hưởng thụ sau một ngày lao động vất vả. Biển còn là nơi gắn liền với tuổi thơ của người con Gò Cỏ, với những trò chơi dân gian thân thuộc như u tù, kéo co, thả diều, đá banh. Trẻ có thể tự làm ra con diều cho mình với củ mì làm keo dính, thanh tre làm khung, tập vở cũ làm thân diều. Biển là những đêm sinh hoạt ca bài chòi, hát hố, cải lương, hát bội,… gắn liền với tất cả những ai đã sinh ra tại Gò Cò. Dù ngày ấy chưa có phương tiện hiện đại nhưng cũng có sân khấu đâu ra đó. Sàn được làm bằng những tấm “ri” cũ của lính Mỹ bỏ lại lót bên dưới, ván được lát bên trên. Ánh sáng mờ ảo từ những chiếc đèn măng xông giúp chiếu sáng cho cả sân khấu và những nghệ nhân cứ thế thay phiên nhau xuất hiện khi tấm màn được kéo ra sau mỗi phân cảnh thay vai. Ăn tết xong, người dân mang ghe đi Bình Định rước đoàn hát bội về làng biểu diễn để cầu cho mưa thuận gió hòa. Người dân trong làng và các thôn khác nhộn nhịp kéo đến tập trung trên bãi biển háo hức thưởng thức những màn biểu diễn trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Thời ấy, làng Gò Cỏ có phong trào văn nghệ sôi nổi nhất trong vùng và bãi biển Gò Cỏ là một không gian sinh hoạt văn hóa thân thuộc của người Gò Cỏ. Tình yêu đối với thể loại dân ca bài chòi của các thanh nam, thanh nữ cũng được bắt đầu từ đây. Truyền thống này đã có ở làng từ năm 1945 và bị gián đoạn khi cuộc chiến chống Mĩ trở nên gay go, ác liệt nhất trên khắp Việt Nam từ năm 1972 đến 1975. Những đêm sinh hoạt tập thể của cả làng trên biển đã không thể diễn ra trong giai đoạn này, một phần vì bom đạn bắn phá vào làng, một phần vì người dân phải bỏ làng tản cư đi nơi khác tìm chỗ an toàn hơn. Tuy nhiên, đoàn văn công của huyện Đức Phổ vẫn đến biểu diễn trên biển cho những người còn bám trụ lại làng để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân trong làng. Chiến tranh qua đi, sau năm 1975 cho đến 1980, người dân lại tiếp tục quay về phục dựng lại việc sinh hoạt văn nghệ trên bãi biển.
Hoàng hôn bình yên nơi xóm nhỏ nhìn từ gành đá hàng trăm triệu năm tuổi
Ngày nay, dù những thói quen sinh hoạt như thế đã không còn nữa, bãi biển vẫn là một nơi thân thuộc, gắn với sinh kế của người dân, là nơi những chiếc thuyền nan tạm gác đợi ngày mới lại ra khơi, là nơi người dân phơi củ khoai củ mì cho bữa cơm thêm ngon, là nơi người vợ vẫn đợi người chồng mang cá từ khơi xa trở về….Biển vẫn hiền hòa, hoang sơ, bình lặng bên cạnh gành đá hàng trăm triệu năm tuổi và thảm thực vật ven bờ vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, sau bữa cơm cúng gia tiên, người dân lớn bé tíu tít trong làng rủ nhau xuống biển tắm gội để gột rửa xui xẻo, cầu mong may mắn.
Người dân phơi củ trên bãi biển lúc bình minh
Người dân cùng nhau tắm biển vào ngày Tết Đoan Ngọ
Lớp sinh viên đang chơi trò chơi dân gian u tù trên bãi biển Gò Cỏ
Vào những ngày đầu tháng và ngày rằm, mực nước biển tương đối cạn làm các gành đá lộ rõ hơn. Nước biển tại đây vào mùa hè khá êm dịu, gợn sóng, thích hợp cho du khách đến tắm biển và tham quan. Chẳng còn gì tuyệt vời hơn được thả mình vào thiên nhiên sau những ngày bận rộn và tìm thấy được cảm giác bình yên khi ngắm nhìn những cảnh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho bãi biển này.
Về nghe sóng dạo cung đàn
Bềnh bồng nhạc biển ngút ngàn dương reo
Về nghe gió nổi trăng treo
Đêm trên cát trắng trong veo biển trời.
(Nguyễn Hữu Quang)