• Tiếng Việt
  • English
Hit Enter to search or Esc key to close

        Trung tâm du khách làng Gò Cỏ (TTDK) nằm trên trục đường chính dẫn xuống biển. Với diện tích gần 1 hecta, mảnh đất xưa kia cây cối um tùm, rậm rạp, “con chim sẻ bay không lọt”, dưới sự đầu tư hỗ trợ của doanh nghiệp xã hội – Công ty TNHH Sungco, đã thay đổi diện mạo vốn có, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn những dấu tích lịch sử, văn hoá bao đời nay. Trong TTDK gồm các khu vực phục vụ tham quan và nghỉ ngơi của du khách.

Cổng trung tâm du khách làng Gò Cỏ

Nhà mẫu homestay

Bước vào TTDK, quý khách như ngược dòng thời gian trở về những năm tháng xa xưa, với căn nhà tranh vách đất mang theo hoài niệm về một thời khó khăn gian khổ. Căn nhà mẫu này là nguồn cảm hứng và động lực để các hộ gia đình ở Gò Cỏ xây dựng homestay theo kiểu nhà truyền thống – nhà tranh vách đất. Vật dụng trong nhà đều được làm từ tre, từ giường ngủ, bàn ghế, tủ quần áo, bàn đọc sách, chạng bếp… nhà mẫu là địa điểm thích hợp để chụp ảnh kỉ niệm, khuôn viên sân vườn xung quanh được bày trí cối xay gạo bằng đá, lu nước, gáo dừa, cây rơm, hàng rào đá, cây lưỡi long… tất cả tạo nên một bức tranh yên bình, giản dị.

Nhà mẫu homestay xây dựng phỏng theo nhà tranh vách đất xưa

Miếu cổ Chăm Pa

Miếu cổ này được hình thành trong thời kỳ người Chăm Pa còn sinh sống tại đây (khoảng TK VII – XV). Sau đó, miếu được người Việt tiếp tục thờ cúng và trở thành ngôi miếu cổ linh thiêng nhất trong làng. Miếu cổ Chăm Pa còn được gọi là miếu ông Thàng. Khi người Việt tiếp nhận và thờ cúng, ban thờ được đặt trong hốc gốc cây Da cổ thụ. Ban thờ chỉ đơn sơ với bát nhang và một số hũ vôi, bình gốm Chăm Pa được đặt trên một phiến đá nhỏ, bảng phẳng. Miếu cổ là nơi người dân thực hành tín ngưỡng lâu đời và cầu mong những điều mong muốn sẽ được như ước nguyện. Dân làng mỗi khi đi ngang qua phải cuối đầu, im lặng vì sợ làm điều thất lễ sẽ bị thần linh quở phạt. Đặc biệt là trẻ nhỏ không được khuyến khích lại gần hoặc gây ồn ào vì sợ sẽ làm ảnh hưởng đến không gian yên tịnh của các thần linh đang cư ngụ tại đây. Miếu cổ nằm trên tảng đá lớn có tuổi hàng trăm triệu năm, bên trên được che chắn bởi cây Da và cây Bồ đề cổ thụ. Từ trong thời kỳ chiến tranh, miếu cổ là điểm tâm linh có trong bản đồ tác chiến mà quân địch không bao giờ dám bước vào.

Phục dựng miếu cổ Chăm Pa dưới hai gốc cây cổ thụ 

Hang Cây Thị

Đây là di tích trú ẩn của cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hơn 100 năm trước, Hang cây Thị là nơi cây cối rậm rạp, xung quanh là khu rừng âm u (hay còn gọi là cấm ông Thàng), địa hình khó đi nên quân địch rất khó phát hiện quân ta. Hang có hai vách đá dựng đứng tạo thành khe hở, giữa khe đá có một cây Thị rất to nên người dân đặt tên Hang cây Thị. Hang có thể chứa được 4-5 người, nhưng phải chui xuống từng người một. Hang cây Thị là một trong rất nhiều hang, hầm đá mà dân làng và bộ đội trú ẩn khỏi các đợt dội bom, mìn của địch. Đặc trưng núi đá, gành đá đã tạo cho làng Gò Cỏ có những hầm bí mật tự nhiên giúp người dân sống sót qua thời chiến tranh ác liệt. Do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020, cây Thị đã bị gió quật ngã, chỉ còn lại phần gốc đã chết khô. Tuy nhiên, cách gốc cây Thị này 5 m về phía Bắc, có một cây Thị con vẫn dang phát triển tốt nhờ nhân giống tự nhiên từ hạt của cây mẹ.

Hang Cây Thị hiện tại đã mang diện mạo mới

Khu trải nghiệm làm gốm, đan lưới, xay gạo bằng cối đá

Một điều hấp dẫn, thu hút du khách – đặc biệt là các em nhỏ chính là những hoạt động trải nghiệm ngay tại TTDK, du khách có thể thử sức với trải nghiệm xay gạo bằng cối đá, tự tay làm gốm Sa Huỳnh, đan lưới đánh bắt cá, in tranh Đông hồ, tô tượng, làm tranh cát. Quý khách vừa được lưu lại những tấm ảnh đẹp, vừa có thể mang về những sản phẩm kỉ niệm do chính tay mình làm ra.

Khu trải nghiệm làm gốm Sa Huỳnh

Ruộng bậc thang

Ruộng bậc thang được xếp bằng đá tự nhiên có sẵn là phương thức canh tác lâu đời của người Chăm Pa tại làng Gò Cỏ (TK VII –TK XV). Nhiều năm trước, dân làng vẫn còn trồng lúa trên những ruộng bậc thang. Người dân trồng lúa một mùa duy nhất trong năm (từ tháng 10 âm lịch đến tháng 1 âm lịch). Do địa hình núi đá, thời tiết mùa hè khô hạn, giếng nước trong làng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt nên những ruộng lúa bậc thang này chỉ phát triển dựa vào nguồn nước mưa hàng năm. Về sau, thời tiết càng ngày càng bất lợi, hệ thực vật suy giảm nên nguồn nước mạch phục vụ tưới tiêu cũng giảm dần, người dân bắt đầu giảm dần việc trồng lúa và chuyển sang trồng các loại củ khoai, sắn…

Một góc từ ruộng bậc thang bằng đá

Khu nhà tổ chức sự kiện – ngắm gành đá từ trên cao

Tại TTDK, quý khách vừa có thể nghỉ ngơi, ngắm bãi biển Gò Cỏ từ trên cao, vừa được thưởng thức những món ăn nhẹ đặc trưng nơi đây như: bánh ít mì, đậu phộng, khoai mì, trái cây chấm muối Sa Huỳnh,… thưởng thức vị ngọt thanh mát của nước rong biển, nước dứa rừng- hai loại nguyên liệu được khai thác tại bãi biển và đồi núi ven gành đá Gò Cỏ. Bên cạnh đó, du khách có thể thưởng thức những giai điệu vui tươi, gần gũi của loại hình nghệ thuật bài chòi, hát hố, do các thành viên, đặc biệt là các em nhỏ trong tổ Bài chòi hát hố Làng Gò Cỏ thể hiện.

 

 


Để lại bình luận - TRUNG TÂM DU KHÁCH


Đăng ký tư vấn