GIẾNG CỔ LÀNG GÒ CỎ
Giếng cổ có thể coi là những công trình lưu giữ dấu ấn văn hóa, lịch sử hàng ngàn năm của làng Gò Cỏ. Trong 12 giếng cổ có mặt ở làng Gò Cỏ, có 3 giếng (giếng bà Thướng, giếng bà Mia, giếng ông Lịch) là những công trình bằng đá, một đặc trưng cho thấy dấu hiệu sự tồn tại của lớp người Chăm Pa đã từng sinh sống trong khu vực (khoảng từ TK VII đến TK XV). Các giếng còn lại được người dân Gò Cỏ kế thừa lối xây dựng của giếng cổ Chăm, đó là thành giếng là đá granite được xếp một cách tự nhiên vừa khít từ đáy lên miệng, không cần đẽo gọt hay dùng xi măng. Các giếng được xây dựng trên nền đá cứng, nằm trên các mạch nước ngầm hoặc gần những con suối.
Thời tiết ở làng Gò Cỏ phần lớn là khô hạn kéo dài, do đó việc tìm và lưu trữ nguồn nước là vô cùng quan trọng. Trước đây khi đường ống bơm nước còn chưa về làng, nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt đều chủ yếu là tự cung tự cấp và phần lớn từ các giếng cổ này. Người dân phải dậy từ 3 giờ sáng chong đèn đi gánh nước để có được những thùng nước quý giá đầu tiên. Thuyền bè các nơi khi đi qua làng cũng thường ghé vào xin nước từ giếng để tiếp tục hành trình dài ngày trên biển. Nước giếng ngày đó rất trong và ngọt, thậm chí có thể uống được. Sau năm 1975, các rừng tự nhiên xung quanh làng được thay thế bằng rừng trồng bạch đàn, loại cây hút rất nhiều nước ngầm. Do đó, các suối và giếng nước hầu như đều đã cạn. Tuy nhiên, những giếng cổ vẫn còn đó như một minh chứng của lịch sử và văn hóa trong quá khứ. Xin được giới thiệu một vài giếng tiêu biểu trong làng:
Giếng Ông Đường
Giếng có độ sâu 7m, đường kính miệng giếng khoảng 2m. Thành giếng tạo bởi những tảng đá xếp tầng một cách tự nhiên. Theo người dân, giếng do ông Đường đào cách đây khoảng hơn hai trăm năm và sau này được gọi theo tên của ông.
Giếng ông Đường
Giếng Ông Quảng
Giếng ông Quảng có đường kính miệng giếng khoảng 1,5m, độ sâu khoảng 9m. Giếng do ông Quảng đào cách đây hơn trăm năm nên được đặt theo tên của ông. Thành giếng tạo bởi đá xếp tầng từ miệng xuống đáy giếng. Trước đây, giếng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho khu vực làng hoang, người dân sử dụng nguồn nước để sinh hoạt và trồng trọt.
Giếng ông Quảng
Giếng Bà Mia
Giếng Bà Mia là một trong ba giếng Chăm (tồn tại trong khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XV) ở làng Gò Cỏ. Giếng có đường kính miệng giếng khoảng 1,5m, độ sâu 8-10m. Giếng luôn có nước, trước đây và hiện nay giếng vẫn còn được người dân trong vùng sử dụng để sinh hoạt. Cấu trúc của giếng là đá xếp tầng. Sau này, người dân trong vùng có sử dụng xi măng để tu sửa lại thành giếng. Người dân nơi đây không biết đã có từ lúc nào, chỉ biết từ khi tổ tiên đặt chân lên mảnh đất này đã có giếng. Giếng nằm trên đường làng, cạnh mảnh đất của bà Mia nên từ đó người dân đã gọi như vậy cho dễ nhớ.
Giếng Bà Mia
Giếng Bồ Đề
Giếng Bồ Đề có đường kính miệng giếng khoảng 1.5m, độ sâu khoảng 7m. Giếng do người dân trong làng đào từ rất lâu dùng để lấy nước phục vụ việc nấu đồ cúng ở miếu Bồ Đề cho thuận tiện. Trước kia, gần giếng có một cây bồ đề rất to nên người dân gọi là “giếng Bồ Đề”, nhưng hiện nay cây bồ đề đã không còn nữa. Giếng vẫn còn nước, nước rất trong và ngọt, nguồn nước hiện nay không còn dùng để sinh hoạt nhưng vẫn còn được sử dụng để trồng trọt.
Giếng Bồ Đề
Giếng ông Lịch (bà Mỹ)
Giếng có từ rất lâu trước khi người dân sinh sống ở đây và là một trong ba giếng Chăm còn tồn tại ở làng (được xây trong khoảng TK VII đến TK XV). Cấu trúc của giếng khá lạ với những phiến đá xếp tầng. Giếng nằm trên con đường làng ở xóm ngoài, bên cạnh mảnh đất nhà ông Lịch, hiện ông Lịch không còn sống, con ông là bà Mỹ nên dân trong làng gọi là giếng bà Mỹ. Hiện nay giếng vẫn còn được sử dụng để sinh hoạt và trồng trọt.
Giếng ông Lịch
Giếng Ông Liên
Giếng ông Liên có đường kính miệng giếng khoảng 1,5m, độ sâu khoảng 5m có từ khoảng 200-300 năm. Giếng do ông Liên đào dọc đường làng, bên cạnh mảnh đất nhà ông nên người dân đặt giếng theo tên ông. Giếng rất đẹp và nước giếng rất trong và ngọt dù người dân khu vực làng hoang đã bỏ đi nơi khác nhưng giếng vẫn không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài.
Giếng ông Liên
Giếng bà Thướng
Đây là một trong ba giếng cổ Chăm còn tồn tại ở làng. Giếng nằm bên con đường làng dẫn xuống xóm dưới, cạnh mảnh đất của nhà bà Thướng nên người dân đặt theo tên của bà. Giếng có đường kính miệng giếng khoảng 1,2m-1,4m, độ sâu khoảng 10m với hình dạng đá xếp tầng. Trải qua thời gian, giếng đã được người dân tu sửa lại bằng xi măng. Theo lời kể của người dân trong vùng, giếng tồn tại từ thời người Chăm Pa còn sinh sống trên khu vực. Hiện nay giếng vẫn còn nước nhưng người dân không còn sử dụng. Hầu hết người dân ở khu vực quanh đây đều sử dụng nước máy nên nước trong giếng rất ít khi được người dân sử dụng.
Giếng bà Thướng