• Tiếng Việt
  • English
Hit Enter to search or Esc key to close
logo Gò Cỏ VN

TẠI SAO BẠN NÊN CHỌN DU LỊCH CÔNG VIÊN DI SẢN LÀNG GÒ CỎ?

Nằm trên vùng gò đồi ven biển, với diện tích tự nhiên chỉ khoảng 105 hecta, làng Gò Cỏ vẫn còn giữ nguyên vẹn dấu ấn của sự tiếp biến văn hóa đa dạng từ thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh (2.500 – 3.000 năm trước) đến văn hóa Chăm Pa (TK VII-XV) và lớp cư dân Đại Việt ngày nay. Làng Gò Cỏ. Ngôi làng cổ sẽ bật mí cho Quý khách những “hóa thạch văn hóa” thú vị thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm cùng cộng đồng người dân bản địa. Làng Gò Cỏ sẽ là điểm đến tuyệt vời, thỏa mãn nhu cầu của những du khách yêu chuộng sự hoang sơ và văn minh. (trích đoạn Hoang sơ và văn minh)
Chúng tôi luôn chào đón Quý khách như một thành viên của cộng đồng làng Gò Cỏ!

Triển vọng trở thành Công viên làng 5 sao…

Làng Gò Cỏ tự hào là một điểm đến của Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh trên tuyến hành trình đi về phía Nam, với nhiều giá trị về di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan môi trường, văn hóa, lịch sử độc đáo và đa dạng. Nơi đây gần như là một công viên địa chất thu nhỏ với đầy đủ các giá trị và bám sát mục tiêu phát triển của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Do đó, cộng đồng bản địa đang phấn đấu xây dựng một điểm đến mang tên Công viên di sản làng Gò Cỏ

Dưới sự điều phối của Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ với nguyên tắc đặt cộng đồng bản địa làm chủ thể, phát triển cộng đồng dựa trên nguồn lực có sẵn của địa phương, lấy du lịch – học tập cộng đồng làm động lực để kết nối, hợp tác, phát triển đa ngành, làng Gò Cỏ đang và được các chuyên gia kỳ vọng sẽ đáp ứng được các tiêu chí của quốc gia về một sản phẩm du lịch bền vững đạt cấp 5 sao mang tên Công viên di sản làng Gò Cỏ.

Đá – một phần linh hồn của người làng Gò Cỏ

Đá hiện diện ở khắp mọi nơi. Đường làng, hàng rào, giếng cổ, suối nước, ruộng bậc thang,… được xếp tỉ mỉ bằng đá granite có niên đại khoảng 250-400 triệu năm bằng chính bàn tay của người Chăm Pa và sau này dân làng Gò Cỏ kế thừa, gìn giữ. Hiện có khoảng 12 giếng cổ còn sót lại rải rác trong làng cùng dấu tích của hệ thống thủy lợi cổ làm bằng đá từ nhiều thế kỷ trước. Du khách luôn dễ dàng nhận ra dấu ấn địa văn hóa trong suốt hành trình của mình tại làng Gò Cỏ. Ngoài các di tích còn đang hiện hữu, địa hình đồi núi đá, gành đá đã giúp sản sinh ra nhiều sản vật đặc trưng, hấp dẫn du khách. Những hầm đá, hang đá tự nhiên là nơi trú ẩn của dân làng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt. Có thể nói, ở đây, đá đã trở thành một phần linh hồn của Gò Cỏ. Hoạt động sống gắn liền với nông – ngư song song cũng đã hình thành các tín ngưỡng dân gian của vùng ven biển; các hoạt động văn hóa phi vật thể nổ bật như hát hố, hát bài chòi,…

Ngược về thời đại Khủng Long…

Hoạt động phong hóa từ đá granite đặc trưng đã ban tặng cho Gò Cỏ một dải biển cát vàng xanh cung cấp nguồn lợi hải sản phong phú nuôi nấng bao thế hệ người dân Gò Cỏ. Đặc điểm của bãi biển Gò Cỏ là hạt cát to, vàng sóng êm mang đến cảm giác tận hưởng an toàn cho du khách.

Điểm nhấn không thể bỏ qua của bờ biển Gò Cỏ là một kiệt tác của mẹ thiên nhiên làm bằng chất liệu đá granite có niên đại khoảng 250-400 triệu năm (cùng thời kỳ khủng long còn tồn tại). Gềnh đá Gò Cỏ không những là nơi trú ngụ, kiếm ăn của nhiều loại hải sản mà còn có giá trị về cảnh quan, địa chất. Quá trình phong hóa tự nhiên, các hoạt động đứt gãy, phun trào của núi lửa tạo nên những phiến đá nhiều màu sắc khác nhau với đủ loại hình thù kỳ thú. Dọc gành đá là các điểm tham quan gắn liền với câu chuyện của làng Gò Cỏ (Sũng muối, Lúc Cúc, Bến bà Thân, Giếng Ông địa, Đầu chọi,…). Ngoài ra Quý khách còn có thể thỏa sức tưởng tượng ra vô số các hình thù khủng long từ gành đá…

Lưỡi Long, Củ, Hải sản và Thực vật hoang dại – Câu chuyện ẩm thực ngàn năm…

Thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng đãi ngộ cho người Gò Cỏ nhiều loại đặc sản phong phú. Các nhà khoa học đã nhận định, cách nay hơn 2.000 năm về trước, từ thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh, hệ sinh thái trong không gian sinh tồn của người Sa Huỳnh xưa không thay đổi nhiều so với hiện nay. Do đó, các sản vật đang hiện hữu cũng mang hơi thở ngàn năm cội nguồn.

Quý khách sẽ được cảm nhận hương vị làng Gò Cỏ qua các món ăn truyền thống như: canh rong mứt, gỏi cá trích, chả nhím biển, nha rang me, canh cá thuẩn lưỡi long, mứt lưỡi long…; bánh ít mỳ, thạch nhân sâm…; gà nấu lá sống nhông, rau chua lẻ,…

Dịch vụ cộng đồng làng Gò Cỏ

Mọi hoạt động, dịch vụ trải nghiệm tại làng Gò Cỏ đều có sự tham gia, xây dựng và phát triển bởi cộng đồng người dân bản địa nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm nguyên bản, độc đáo được lồng ghép những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, di sản, địa chất của chính mảnh đất này.

Homestay tại Gò Cỏ còn giữ nguyên nét xưa cũ, giản dị, mộc mạc được chăm chút từ những bảng hiệu được người dân đặt tên theo đặc trưng của làng hay của hộ gia đình, cho đến những khóm hoa, chậu cây xanh mát trước nhà hay bữa cơm với các món sản vật địa phương cùng những câu chuyện bên bàn ăn về đời sống sinh hoạt của chủ nhà sẽ khiến du khách cảm thấy như đang sống trong ngôi nhà của người thân.

Tổ ghe chèo làng Gò Cỏ được điều phối bởi chính những ngư dân trong làng sẽ đưa du khách trải nghiệm những cảnh đẹp của biển trời mênh mang, ngắm gành đá kì thú trong khi đón bình mình hay nắng chiều trên chiếc ghe truyền thống.

Trường học cộng đồng là một chương trình độc đáo chỉ có riêng tại Gò Cỏ, mang đến cho người học có những trải nghiệm thực tế trong một lớp học thực tế do chính người dân bản địa hướng dẫn. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, người học sẽ được nghe những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, sinh kế của người dân bản địa.